Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Thầy cô giáo về quê học lại tiếng mẹ đẻ

Thầy cô giáo về quê học lại tiếng mẹ đẻ
Cô Đinh Thị Phương Loan (trái) và cô Trịnh Thị Thảo, dạy tiếng Việt tại Lào


Chủ Nhật, ngày 29/09/2013 08:10 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên, những thầy cô giáo dạy tiếng Việt từ khắp nơi trên thế giới có cơ hội trao đổi và học hỏi tiếng mẹ đẻ ngay tại quê hương Việt Nam trong một khóa học kéo dài từ 24/9 đến 26/10.
14 học viên tham gia khóa học là những giáo viên hiện đang giảng dạy tại các lớp học tiếng Việt do cộng đồng hay hội đoàn người Việt từ khắp nơi trên thế giới. Họ là người Việt sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, hoặc sinh ra ở nước ngoài nhưng có nguồn gốc Việt Nam, đang truyền dạy tiếng mẹ đẻ cho con em Việt kiều và người nước ngoài.
Đi đâu cũng phải giữ tiếng Việt
Cô Ngô Đình Uy, giảng dạy tiếng Việt tại Đại học sư phạm Đài Loan và một trung tâm ngoại ngữ. Cô Uy sinh tại Đài Loan trong gia đình có bố Đài Loan, mẹ Việt Nam. Mẹ cô là người Hà Nội, luôn dạy con: “Dù đi đến đâu, tiếng Việt phải giữ”. Chính vì thế, tiếng Việt là ngôn ngữ đầu tiên cô được học từ người mẹ và thường nói trong gia đình.
Tính đến nay, cô Uy đã gắn bó hơn 20 năm với việc giảng dạy tiếng Việt. Ban đầu là dạy cho những doanh nhân Đài Loan có dự án đầu tư tại Việt Nam, phần lớn là tại TPHCM, rồi sau này là sinh viên khoa tiếng Việt của Đại học sư phạm Đài Loan. Cô Uy cho biết, ban đầu chưa có giáo trình dạy tiếng Việt, phải tự viết lấy. Nhiều người Đài Loan học tiếng Việt, sau này sang TPHCM công tác thì thắc mắc: Sao tiếng Việt cô dạy khác với tiếng Việt mà mình nghe thế.
Cô Uy phải soạn hai bộ giáo trình, một dành cho giọng Bắc, một cho giọng Nam. Trước khi học viên đăng ký, cô hỏi: thích học giọng bắc hay giọng nam. Cô nói vui: “Tôi có thể dạy học sinh giọng bắc, giọng nam, nhưng giọng miền trung thì chịu”.
Thầy Lê Quốc Vi sinh ở Thái Lan, bố mẹ đều là người Việt. Hiện, thầy dạy tiếng Việt cho người Thái tại Đại học hoàng gia Thái Lan ở tỉnh Ubonrathchathani và kiêm ủy viên cố vấn Ban Quan hệ quốc tế của trường. Thời kỳ 1950 - 1975, khi quan hệ Việt - Thái gặp khó khăn, tiếng Việt bị cấm, cho nên con em người Việt đi học trường Thái, nói tiếng Thái, nhưng về gia đình vẫn lén lút học tiếng Việt. Thời đó, phong trào dạy và học tiếng Việt rất mạnh dù bị cấm đoán. Thầy Vi kể, đi học tiếng Việt, sách vở phải ngụy trang, bên ngoài lớp học luôn có người canh gác.
Sau này, quan hệ Việt - Thái tốt lên, thầy Vi được đích thân thầy hiệu phó Đại học hoàng gia Thái Lan ở tỉnh Ubonrathchathani mời về giảng dạy tiếng Việt. Nhiều người Thái cũng muốn học tiếng Việt để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Thầy Vi đã dẫn nhiều doanh nghiệp Thái Lan sang tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam.
Thầy cô giáo về quê học lại tiếng mẹ đẻ - 1
  Cô Đinh Thị Phương Loan (trái) và cô Trịnh Thị Thảo, dạy tiếng Việt tại Lào
Ngày càng nhiều người học tiếng Việt
Cô giáo Đinh Thị Phương Loan, 32 tuổi, phó hiệu trưởng trường Nguyễn Du ở Viêng Chăn, Lào, có bố mẹ là chuyên gia y tế sang Lào công tác, rồi sinh Loan tại đây. Sau này, cô theo bố mẹ về Việt Nam sinh sống, học báo chí và sư phạm, rồi cô lấy chồng người Lào, theo chồng về Lào sinh sống.
Trường Nguyễn Du là trường tư thục đa cấp (từ mẫu giáo đến cấp 3), trực thuộc Hội người Việt Nam ở Viêng Chăn. Trường có khoảng 1.800 học sinh, trong đó 70% là con em Việt kiều, 30% là con em cán bộ người Lào. Học sinh trong trường đều được học bằng tiếng Lào và tiếng Việt chỉ là một ngoại ngữ. Hội người VN tại Lào có 11 chi hội ở các tỉnh, thành phố của Lào và đều có trường học.
Các trường Việt kiều ở Lào rất có uy tín trong giáo dục. Năm 2011, 2012 trường Nguyễn Du đều có học sinh đoạt giải nhất môn toán toàn quốc, là con em Việt kiều. Trường đang chuẩn bị mở lớp song ngữ Lào- Việt, mỗi khối sẽ có một lớp. Các buổi ngoại khóa tiếng Việt vào ngày thứ 6 hàng tuần có dạy hát và chơi trò chơi dân gian Việt Nam thu hút nhiều học sinh người Lào.
Sinh ra và học tập tại Việt Nam, nhưng chị Nguyễn Thị Phương Liên lại bén duyên với Đài Loan khi chị sang đây làm nghiên cứu sinh và lấy chồng người Đài Loan. Hiện nay, chị Liên đang dạy tiếng Việt tại Đại học Đài Loan.
Theo chị Liên, hiện nay ở Đài Loan có 20 trường đại học có bộ môn tiếng Việt. Một số trường cấp 3 ở Đài Bắc cũng bắt đầu giảng dạy tiếng Việt như ngoại ngữ hai, bên cạnh tiếng Anh. Đài Loan có hơn 100.000 người Việt đang sinh sống, trong đó chủ yếu là cô dâu Việt, nên các sở di dân cũng tổ chức các lớp học tiếng Việt cho con em gốc Việt. Chị Liên cũng tham gia biên soạn giáo trình tiếng Việt toàn quốc cho con em Đài Loan thế hệ thứ 2. Cuốn này dự định ra mắt vào tháng 10.
Chị Liên nói: “Khi dạy cho học sinh, mới thấy có nhiều điểm về tiếng Việt mà mình chưa hiểu được. Các thầy cô giáo trong khóa tập huấn này đều là các giáo sư giỏi. Tôi muốn thông qua họ để hiểu rõ thêm. Chẳng hạn, đọc bảng chữ cái thế nào cho chuẩn khi có các cách đọc khác nhau như chữ q thì đọc là cu, hay quờ, qui... Sờ nặng, sờ nhẹ thì nên đọc thế nào... Học sinh của tôi cứ thắc mắc, rõ ràng, cô đọc là Trời ơi, khi ra ngoài đường thì người ta lại bảo: Dời ơi...”.










Theo Lan Anh (Tiền Phong)

GĐ Sở GD&ĐT TP.HCM: Không nên cấm dạy thêm

GĐ Sở GD&ĐT TP.HCM: Không nên cấm dạy thêm
Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD&ĐT quận 5 (TP.HCM), kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM


Chủ Nhật, ngày 29/09/2013 15:19 PM (GMT+7)
Cần có chế độ, chính sách đối với giám thị, bảo mẫu, cấp dưỡng, tổng phụ trách đội… Nhiều giáo viên giỏi không muốn làm quản lý vì bị cắt phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi.
Ngày 28-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri ngành GD&ĐT TP. Ngay sau khi Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn kiến nghị: “Thông tư 17 ban hành năm 2012 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm - học thêm cần được điều chỉnh không quá chặt chẽ đối với giáo viên để họ sống được với nghề. Chính vì vậy mà đến nay TP.HCM vẫn chưa có chỉ thị của UBND TP để thực hiện thông tư này” thì cử tri là giáo viên, cán bộ quản lý đều đồng tình.
Quyền dạy thêm
Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD&ĐT quận 5, góp ý: “Thông tư 17 có tiêu chí là cấm dạy thêm - học thêm học sinh hai buổi khi học sinh đã tham gia học hai buổi/ngày. Theo tôi, không nên dùng từ “cấm dạy thêm” mà nên thay bằng cách tổ chức quản lý như thế nào về dạy thêm. Chúng tôi sẵn sàng phê bình, góp ý những giáo viên làm sai nhưng nhu cầu học thêm là có thật”. Ông Hồ Cung, giáo viên Trung tâm GDTX quận Bình Thạnh, nói: “Hiện nay giáo viên mới ra trường lương khoảng 3,1 triệu đồng, làm sao người ta sống được nếu chỉ đi dạy ở trường. Dạy thêm thì không được dạy, chẳng lẽ làm giáo viên mà còn kiếm việc để làm thêm?”.
Ông Lê Hồng Sơn kiến nghị: “Nếu có được tác động thêm của đại biểu Quốc hội cho Thông tư 17 thì rất tốt. Cần có những cơ chế thoáng hơn trong việc tổ chức dạy thêm - học thêm. Chỉ cần quản lý làm sao để giáo viên không tổ chức dạy một cách tiêu cực, bắt ép học sinh. Trong khi đời sống giáo viên chúng ta không đảm bảo được thì phải để giáo viên sống được bằng nghề của mình”.
GĐ Sở GD&ĐT TP.HCM: Không nên cấm dạy thêm - 1
Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD&ĐT quận 5 (TP.HCM), kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: QUỐC DŨNG
Có ngân sách sẽ hết lạm thu
Phát biểu xung quanh vấn đề thu chi đầu năm của bà Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng (quận 3), nhận được tràng pháo tay vang dội trong hội trường. Theo bà Huệ, hằng năm cứ sau ngày khai giảng thì báo chí đều đưa lên việc các trường thu tiền. Bà Huệ bày tỏ: “Vì sao chúng tôi phải thu? Chúng tôi được hướng dẫn phải nâng cao chất lượng giáo dục, phải xây dựng trường tiên tiến, hiện đại. Trong khi đó, ngân sách cấp về hầu hết ngốn hết vào lương, thậm chí không đủ tiền phụ cấp. Vậy lấy tiền đâu để có các hoạt động? Thế thì làm sao hiệu trưởng không đau đầu được!”. Theo bà Huệ, cuối cùng hiệu trưởng phải nghĩ đến việc phối hợp với phụ huynh và “hiệu trưởng chúng tôi vừa là nhà giáo dục, vừa là nhà chính trị, giờ thêm là nhà kinh tế” - bà Huệ nói.
Giáo viên giỏi không muốn làm quản lý
“Hệ lụy hết sức nguy hiểm hiện nay là tại sao những giáo viên năng lực giỏi được điều lên làm ở phòng, sở nhưng không ai nhận? Vì nếu đi họ sẽ bị mất chế độ lẽ ra họ đáng phải có. Một chính sách ban hành không đúng sẽ đi đến một di căn rất hại, làm giáo viên nản lòng” - ông Đặng Văn An đặt vấn đề. Bà Phạm Thị Huệ nêu ý kiến: “Người làm lãnh đạo nhưng không được phụ cấp ưu đãi, không được phụ cấp thâm niên, mà phụ cấp thâm niên liên quan đến lương hưu. Điều này vô lý. Giờ ai về phòng là mất tất cả phụ cấp”.
Bằng kinh nghiệm bản thân, bà Võ Ngọc Thu nói: “Tôi được điều động về làm công tác quản lý ở phòng, đang là ngạch giáo viên thì tôi phải chuyển sang ngạch là chuyên viên. Không ngờ chuyển xong thì tôi mất tất cả những gì mà người giáo viên được hưởng là phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi. Như vậy là tôi mất luôn tất cả hàng chục năm đứng lớp. Đây cũng là một khó khăn khi đội ngũ quản lý của phòng đang thiếu nhưng chúng tôi không tuyển được người lên. Bản thân tôi cũng cảm thấy có lỗi với giáo viên, bởi họ giỏi mới được tuyển lên nhưng khi lên thì họ mất các khoản đó. Hiện nay Chính phủ đã cho phép bảo lưu phụ cấp ưu đãi (tối đa 36 tháng) đối với các nhà giáo được điều động về công tác tại các phòng, sở. Nhưng sau thời gian đó thì thế nào. Do đó các phòng, sở khi mời giáo viên về làm thì rất khó khăn”.
Ông Lê Hồng Sơn kiến nghị đại biểu Quốc hội thúc đẩy làm sao để Luật Nhà giáo đang dự thảo được ban hành sớm hơn. Bởi hiện giờ giáo viên vẫn được gọi là công chức, viên chức. Luật Nhà giáo sớm được ban hành để rõ rằng nhà giáo không chỉ là người trực tiếp đứng lớp mà còn rất nhiều thành viên khác đang thực hiện góp phần cho tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Cần định biên các chức danh
Bà Phạm Thị Huệ cho biết: “Đội ngũ giám thị đã tồn tại mấy chục năm trong ngành giáo dục nhưng không được Bộ GD&ĐT thừa nhận. Cả nước này trường nào cũng có giám thị nhưng họ không được một chức danh. Một số người suy nghĩ sai lệch cho rằng ai dạy không được thì đưa làm giám thị thì điều đó hết sức sai lầm. Bởi anh không quản được lớp nhỏ của anh thì làm sao quản lý cả trường. Nên lực lượng giám thị rất quan trọng trong nhà trường, họ phải được đào tạo, được bồi dưỡng về mặt tâm lý để có ứng xử phù hợp với học sinh”.
Bà Võ Ngọc Thu dẫn chứng: “Hiện nay chưa có định biên của chế độ bảo mẫu, cấp dưỡng, tổng phụ trách đội. Trong khi chính Bộ GD&ĐT đề nghị với tất cả tỉnh, thành là phải phấn đấu làm sao cho học sinh học hai buổi/ngày. Mà để làm được điều này phải đưa đến chuyện tổ chức bán trú trong nhà trường. Nhưng khi tổ chức bán trú thì phải có đội ngũ bảo mẫu, cấp dưỡng. Đội ngũ này các trường phải hoàn toàn tự lực, phải bồi dưỡng bằng tiền thu của phụ huynh. Với những mức bồi dưỡng này không thể đảm bảo cho đời sống hiện nay của họ”.
Ông Lê Hồng Sơn kiến nghị: “Thông tư 35 về định biên chức danh bảo mẫu, giám thị, tổng phụ trách đội,… chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều năm. Nhân có các đại biểu Quốc hội, mong rằng chuyển đến các Bộ GD&ĐT, Nội vụ, Tài chính… xem xét vấn đề này”.
Theo Quốc Dũng (Pháp luật TP.HCM)

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

ĐH Hùng Vương: Gần 1500 SV thi tốt nghiệp nhờ

ĐH Hùng Vương: Gần 1500 SV thi tốt nghiệp nhờ
Gần 1.500 sinh viên năm cuối ĐH Hùng Vương đã có “lối ra”

Thứ Năm, ngày 26/09/2013 14:00 PM (GMT+7)

Gần 1.500 sinh viên năm cuối ĐH Hùng Vương chưa được thi tốt nghiệp đã có “lối ra” sau những lùm xùm xảy ra tại trường này.
Chiều 25/9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Bùi Văn Ga đã ký văn bản số 6629 về việc giải quyết tốt nghiệp cho sinh viên năm cuối của trường ĐH Hùng Vương TP.HCM. Theo đó, Bộ đồng ý với đề nghị của UBND TP.HCM về việc chuyển sinh viên năm cuối của trường ĐH Hùng Vương sang các trường ĐH khác trên địa bàn TP.HCM để tổ chức thi, bảo vệ khóa luận và cấp bằng tốt nghiệp.
Thời gian qua, tại ĐH Hùng Vương xảy ra chuyện lùm xùm về con dấu và tranh chấp quyền lợi nội bộ của các thành viên trong ban lãnh đạo nhà trường đã khiến hơn 5.000 sinh viên đang theo học và hàng trăm cán bộ làm việc tại đây rất hoang mang.Trong đó, gần 1.500 sinh viên năm cuối ra trường trong tháng 7 này đã không thể tổ chức thi và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp do nhà trường chưa thành lập được hội đồng thi, hội đồng tốt nghiệp… khiến cơ hội ra trường, tìm việc làm của số sinh viên này hết sức mịt mù.
ĐH Hùng Vương: Gần 1500 SV thi tốt nghiệp nhờ - 1
Gần 1.500 sinh viên năm cuối ĐH Hùng Vương đã có “lối ra”
Trong văn bản vừa gửi, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan tạo điều kiện giúp Trường ĐH Hùng Vương liên hệ với các trường ĐH có ngành đào tạo phù hợp với ngành học của sinh viên năm  cuối của trường để tiếp nhận, tổ chức thi, bảo vệ khóa luận và cấp bằng tốt nghiệp theo quy định.
Bộ cũng giao cho cơ quan đại diện của Bộ Giáo dục & Đào tạo tại TP.HCM, Vụ Giáo dục Đại học, Thanh tra Bộ phối hợp với các đơn vị liên quan của TP.HCM chỉ đạo trường ĐH Hùng Vương và các trường nhận sinh viên xây dựng kế hoạch, tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thi tốt nghiệp cho số sinh viên này.
Minh Nghĩa (Khampha.vn)

Học sinh lớp 1 thích điểm 10 hơn "khen suông"

Học sinh lớp 1 thích điểm 10 hơn "khen suông"
Phần lớn học sinh thích cô giáo cho điểm hơn là khen

Thứ Năm, ngày 26/09/2013 14:44 PM (GMT+7)

Đầu năm học mới, nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội thực hiện quy định bỏ chấm điểm đối với học sinh lớp 1, giáo viên chỉ nhận xét năng lực học tập của các em. Tuy nhiên, qua khảo sát, phần lớn các em học sinh thích cô giáo cho điểm hơn là khen.


Theo hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học 2013-2014 của Bộ GD-ĐT ban hành, kể từ năm hoc mới, đối với học sinh lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh. Nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh. Giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.
Học sinh thích điểm 10 hơn lời khen
Cô Trần Bích Hậu, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, trường Tiểu học Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay, quy định không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 được nhà trường triển khai từ đầu năm học 2013-2014. Qua hơn 2 tuần thực hiện, giáo viên nhận thấy nhiều học sinh không thích thú với việc nhận xét bài viết bằng lời khen bởi tâm lý, các em vẫn thích được cô giáo cho điểm hơn.

“Năm học 2012, khi chúng tôi còn thực hiện việc cho điểm cho học sinh lớp 1, học sinh khi được cô giáo cho điểm 9, điểm 10 đều ồ lên vì vui, tinh thần học tập của lớp rất sôi nổi. Còn kể từ năm học mới này, khi trường bỏ quy định chấm điểm thay vào đó bằng nhận xét, học sinh làm bài tốt được cô giáo khen cũng chỉ nhích môi cười nhẹ, lớp học kém sôi động hơn”, cô giáo Hậu chia sẻ.
Học sinh lớp 1 thích điểm 10 hơn "khen suông" - 1

Lời nhận xét tốt của cô giáo dành cho học sinh lớp 1
Việc nhận xét bài của học sinh khiến giáo viên mất nhiều thời gian bởi khi nhận xét bài thầy cô phải viết nắn nót từng chữ trên vở học sinh. Đặc biệt, nhiều cô giáo gặp khó khăn trong việc nhận xét nhiều bài của học sinh trong cùng một thời điểm.

“Nếu như còn quy định cho điểm học sinh, trong giờ lên lớp chúng tôi vừa dậy học vừa có thể chấm điểm cho học sinh được. Khi đó, thấy bài em nào sai ở lỗi nào chúng tôi sẽ nói ngay để học sinh hiểu, sửa chữa. Còn giờ nhận xét bài mất nhiều thời gian hơn, tôi lại phải chọn thời gian ra chơi hoặc về nhà để nhận xét bài của các em. Những lúc ấy có muốn góp ý cái sai sót của học sinh thì các em học sinh lại không ở bên”, cô Hậu cho hay.

Theo cô Hậu, việc nhận xét bài đối các em học sinh cũng là “bài toán khó” đối với các cô giáo giảng dạy. Nếu như học sinh có học lực tốt cô giáo dễ dàng hơn trong việc nhận xét, còn đối với học sinh có học lực yếu thì thầy cô lại phải đưa ra lời nhận xét khéo léo để các em học sinh không cảm thấy bị tự ti và tiếp tục phấn đấu học tập trong giờ học sau.

“Trong quá trình dạy học cũng có những em học sinh viết chữ rất xấu. Khi xem bài tôi đã không dám nhận xét ngay là nét chữ quá tệ mà thay vào đó cô giáo vẫn phải nhận xét học sinh theo hướng tích cực, chữ viết có tiến bộ học sinh cần viết nắn nót hơn ở bài lần sau”, cô Hậu nói

Ngoài việc nhận xét, đối với những học sinh có học lực yếu, cô giáo sẽ nhận xét bài viết và góp ý ngay trên lớp và trao đổi với phụ huynh kèm cặp các em thêm khi về nhà. Hàng tháng, giáo viên gặp cha mẹ học sinh để trao đổi thêm về tình hình học tập của các em trên lớp.
Học sinh lớp 1 thích điểm 10 hơn "khen suông" - 2
Lời nhận xét bài chưa tốt, học sinh cần cố gắng

Là trường triển khai quy định bỏ chấm điểm đối với học sinh lớp 1, bà Nguyễn Thị Hưởng, Hiệu trưởng trưởng Tiểu học An Khánh B, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, nhà trường triển khai quy định không chấm điểm cho học sinh lớp 1 từ đầu năm học mới. Dù mới triển khai được gần 3 tuần, nhưng phần lớn các em học sinh không mấy hào hứng với việc nhận xét bài của giáo viên.

“Trong giờ học, chúng tôi thấy các em học sinh vẫn thích được cô giáo chấm điểm tốt để về khoe với gia đình. Đặc biệt, khi thấy bạn cùng lớp có điểm, học sinh có học lực kém cũng muốn giơ tay phát biểu để được điểm cho bằng bạn, bằng bè”, bà Hưởng kể.

Bà Hưởng cho biết thêm, khi nhận xét bài của học sinh cô giáo trong trường phải khá linh hoạt, mềm dẻo đối với từng em. Học sinh học có bài viết tốt, cô giáo thường nhận xét kỹ để học sinh thấy được điểm mạnh để phát huy. Còn những bài viết yếu cô giáo sẽ nhận xét trên tinh thần xây dựng và động viên các em học tập.
Muốn con thoải mái khi đến trường!
Chị Nguyễn Thị Linh, 37 tuổi, ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, có con học lớp 1 ở trường tiểu học Đại Kim cho hay, về mặt tâm lý thì cả phụ huynh và học sinh cũng rất cần cô giáo cho điểm. Đôi khi điểm cô giáo cho học sinh cũng là động lực để các em phấn đấu và là điều kiện để bố mẹ có những phần thưởng bất ngờ cho con. Tuy nhiên, nếu gia đình vì điểm mà gây áp lực cho cái thì dễ gây cho trẻ tâm lý mệt mỏi chán nản.

“Tôi cho rằng việc cô giáo không chấm điểm chuyển sang hình thức nhận xét cũng là một cách làm hay. Ở lứa tuổi nhỏ, các con đang dần hoàn thiện về mặt nhận thức, ý thức học hành nên việc các em không bị áp lực học tập cũng là một việc làm cần thiết. Cô giáo nhận xét bài viết, dù các con không hào hứng bằng việc cho điểm nhưng các con sẽ thấy thoải mái hơn”, chị Linh chia sẻ.

Chị Phạm Thị Hoa, ở quận Đống Đa, có con học tại trường tiểu học Thái Thịnh cho biết, những năm học trước, con lớn nhà chị đi học gia đình chị thường động viên con bằng việc thưởng quần áo mới hay cho con đi chơi công viên mỗi khi con đi học về khoe đạt điểm 10. Còn năm học mới này, đứa thứ 2 bước vào lớp 1, cô giáo không chấm điểm mà chuyển sang nhận xét bài viết thì gia đình chị lại căn cứ vào lời khen của cô giáo để động viên con.

“Mới bước vào học lớp 1 các con chưa hiểu và quan tâm nhiều đến thành tích học tập. Do vậy, chúng tôi cũng không đòi hỏi con phải đạt điểm cao khi đến lớp. Cái chúng tôi quan tâm hơn hết chính là việc các con có được tâm lý thoải mái khi đến trường”, chị Hoa nói.

Anh Nguyễn Thành Chung ở phố Phương Mai, Quận Hoàng Mai, Hà Nội có con theo học lớp 1 tại trường tiểu học Phương Mai kể, mấy tuần đầu con đi học, về nhà gia đình anh có hỏi con đi học có được điểm tốt không, con chỉ nói là hôm nay cô giáo chỉ khen chứ không cho điểm.

“Vẻ mặt của con lúc ấy tuy không mấy hào hứng nhưng chúng tôi vẫn phải khen để con thấy việc cô giáo khen tức là con đã học tập tốt rồi”, anh Chung tâm sự.
Đức Nguyễn (Khampha.vn)

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Chàng trai một chân thi đỗ 2 trường đại học

Chàng trai một chân thi đỗ 2 trường đại học
Đại hằng ngày đến trường cùng chiếc nạng gỗ
Thứ Hai, ngày 23/09/2013 08:29 AM (GMT+7)
Sáu năm tới trường cùng cây nạng gỗ, bằng nghị lực phi thường, Trịnh Đức Đại ở phường Nghi Tân (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) thi đậu 2 trường đại học: ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) và ĐH Nông nghiệp Hà Nội.
Tôi tìm đến khu ký túc xá ĐH Ngoại ngữ để gặp Đại. Mỗi sáng, Đại tới trường cùng với cây nạng gỗ, bên cạnh em là Ma Văn Tụ, nhân vật cao chưa đến 1 m trong bài Cảm động “chú lùn” vượt khó đỗ 2 trường đại học (Tiền Phong, ngày 12/9) học cùng lớp với Đại, đi học cùng nhau. Hai nhân vật đặc biệt này thu hút sự quan tâm của nhiều bạn bè.
Đại là con cả trong gia đình có 2 anh em. Đại sinh ra bình thường như những đứa trẻ khác. Số phận trớ trêu, năm 12 tuổi trong một lần đi cùng bố, bất ngờ chiếc ô tô trái chiều đâm vào xe máy của bố con Đại, khiến bố em bị gãy tay, chân Đại đứt động mạch chủ, phải cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Nghệ An. Đại bị mất nhiều máu, vết thương ở chân bị nhiễm trùng, em được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Điều tồi tệ nhất xảy ra, chân trái không thể chữa trị được, để giữ tính mạng cho Đại, bệnh viện quyết định cắt chân trên đầu gối. Đại kể lại giây phút kinh hoàng: “Lúc đó em được tiêm thuốc, ngủ lúc nào không biết. khi tỉnh dậy, em hét toáng lên vì không thấy chân trái của mình đâu. Em biết mình sẽ không đi lại được bình thường, không đá bóng được với bọn bạn nữa, em cứ khóc mãi, bố mẹ cũng khóc theo”.
Chàng trai một chân thi đỗ 2 trường đại học - 1
Đại hằng ngày đến trường cùng chiếc nạng gỗ
Mấy tháng sau, Đại ra viện và đi học trở lại. Nhìn bạn bè chạy nhảy vui đùa, Đại khóc. Có những lúc Đại muốn bỏ học, nhưng nghĩ đến bố vất vả đi phụ hồ kiếm tiền nuôi em ăn học, mẹ suốt ngày ốm đau, nếu không cố gắng học hành tốt, sau này sẽ là gánh nặng của gia đình, Đại từ bỏ ý định đó, cố gắng học tốt hơn.
Đại tâm sự: “Mới đầu đi bằng nạng gỗ không quen, nhất là để leo cầu thang lên lớp là thử thách, lúc đầu em thường được bạn bè giúp đỡ, bế em lên. Nhưng thời gian sau em tập đi với nạng gỗ, cầu thang dốc khiến nhiều lần em suýt ngã. Nhiều bạn thấy vậy muốn giúp đỡ nhưng em muốn tự đi bằng một chân của mình”.
Chinh phục ước mơ
Đại cố gắng vươn lên học giỏi. Ở nhà, lúc trông em, nấu cơm, Đại đều mang sách ra đọc. Những bài khó, Đại nhờ bạn bè, thầy cô hướng dẫn. Những ngày thời tiết thay đổi, vết cắt ở chân lại đau nhức, Đại vẫn gắng sức đi học. Suốt những năm học THCS, THPT, Đại luôn là học sinh tiên tiến và học sinh giỏi. Những năm học cấp 3, trường cách nhà hơn năm cây số, Đại không thể được tự đi tới trường, hàng ngày bố lại phải đưa đón em.
Cô Nguyễn Thị Kim Dung, giáo viên chủ nhiệm của Đại suốt những năm cấp 3 cho biết: “Đại là học sinh chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè, gia đình lại khó khăn, nhưng rất thông minh, em học giỏi nhất lớp về môn Hóa. Là tấm gương để bạn bè học tập và rất thương yêu gia đình, đó là động lực để Đại đi đến thành công”.
Bước vào lớp 12, Đại lên kế hoạch cho cuộc đời mình. Với niềm đam mê tin học, Đại nộp hồ sơ thi khối A vào trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) để thực hiện được ước mơ trở thành lập trình viên. Với các môn thi khối B, Đại dự thi ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Đại đã thi đỗ cả 2 trường với điểm số cao (khối A đạt 25 điểm, khối B đạt 21,5 điểm).
Lúc cầm 2 giấy báo nhập học, Đại không giấu nổi nước mắt. Đại đã không phụ công bố hằng ngày đưa em đến trường.
Theo Quang Lộc (Tiền Phong)

Những lời phê có một không hai của thầy cô

Những lời phê có một không hai của thầy cô
Bài văn 3,25 điểm với lời nhận xét thú vị
Thứ Hai, ngày 23/09/2013 14:54 PM (GMT+7)
"Tốt gỗ hơn tốt nước sơn/ Dù sao em cũng tuyệt hơn vài người" hay ngôn ngữ teen "Em học rất giỏi, có tính chất bá đạo của học sinh" là những lời phê khiến cộng đồng online xôn xao.



Lời phê "khó thành người tử tế"
Những ngày qua, một bức ảnh chụp lại bài kiểm tra môn Ngữ văn của học sinh với dòng phê bằng mực đỏ “Lười học văn. Khó thành người tử tế” được đăng tải và trở thành tâm điểm của nhiều thành viên online.
Những lời phê có một không hai của thầy cô - 1
Bài kiểm tra môn Văn và lời phê của giáo viên khiến dân mạng “dậy sóng”
Lời phê này được viết trên bài văn ngắn ngủn, và chấm điểm 2. Dù không xác minh được đây có phải là một trò đùa hay là sự thật, nhưng câu nhận xét "Lười học văn, khó thành người tử tế" đã được mang ra mổ xẻ.
Một số cho rằng giáo viên khá khắt khe, khi đánh giá sự tử tế của một người chỉ qua bài kiểm tra. Trong khi nhiều người cho rằng học văn là nền tảng của rèn luyện nhân cách đạo đức, do đó ý của giáo viên đúng...
"Dù sao em cũng tuyệt hơn vài người"
Ngược lại với lời phê "khó thành người tử tế trên", tháng trước, bài kiểm tra nhận được 7,5 điểm với lời phê độc đáo chia sẻ trên trang Haynhucnhoi cũng đã rất thu hút sự quan tâm của nhiều người với sự động viên.
Tuy chưa rõ thực hư bài kiểm tra này thật giả thế nào nhưng cư dân mạng tỏ ra thích thú với lời phê này.  Từ câu tục ngữ quen thuộc, cô giáo đã sáng tạo ra lời phê bằng thơ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn/Dù sao em vẫn tuyệt hơn vài người”.
Những lời phê có một không hai của thầy cô - 2
Bài kiểm tra với lời phê lạ đã gây sự tò mò đến cư dân mạng


Lời phê độc "Em học rất giỏi, có tố chát bá đạo của học sinh"
Trước đó, cộng đồng mạng cũng  đã xôn xao với bài kiểm tra tiếng Anh 0 điểm và lời phê: "Em học rất giỏi, có tố chất bá đạo của học sinh”. Bài làm của bạn học sinh này đầy chất “sáng tạo”  khi phiên âm toàn bộ tiếng Anh ra tiếng Việt.
Những lời phê có một không hai của thầy cô - 3
Bị 0 điểm nhưng bài kiểm tra tiếng Anh này lại được cô giáo khen thật lạ

Lời phê nhân vật Cám đáng sợ quá
Một phần lời phê khá môn văn cũng thu hút được sự quan tâm của không ít bạn học sinh. Giáo viên này đã dành ra khá nhiều thời gian công sức để đọc bài kiểm tra này và rút ra được nhiều nhận xét cho chủ nhân bài viết: Chủ nghĩa cẩu thả và không biết cách làm bài NLXH (Nghị luận xã hội).
Những lời phê có một không hai của thầy cô - 4
 Bài văn 3,25 điểm với lời nhận xét thú vị
Đặc biệt phần nhận xét “Nhân vật Cám của em đáng sợ quá” được đánh giá là một phần nhận xét khá mềm mỏng, không căng thẳng những vẫn khiến học sinh nhận ra được khuyết điểm của mình.
Theo Linh San (Tri Thức trực tuyến)

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Không thể dễ dãi với tính mạng con người

Không thể dễ dãi với tính mạng con người
Sinh viên ĐH Y-Dược Thái Nguyên trong giờ thực hành
Thứ Bảy, ngày 21/09/2013 13:30 PM (GMT+7)
Không thể dễ dãi với ngành khoa học liên quan tính mạng con người. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y - Dược (ĐH Thái Nguyên) về hiện trạng đào tạo ngành y tràn lan hiện nay trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong.
Theo ông, việc đào tạo nguồn nhân lực ngành y đòi hỏi những điều kiện đặc biệt nào?
Không thể dễ dãi với tính mạng con người - 1Thời gian đào tạo dài nhất (6 năm). Nhưng đó mới chỉ là học xong để có bằng bác sĩ và thường chưa làm việc được ngay mà phải học thêm chuyên khoa định hướng mất 1 năm, chuyên khoa cấp 1 mất 2 năm. Tất cả là 9 năm mới có thể vững vàng để vào nghề. Tuy nhiên, sau đó bác sĩ vẫn phải học thêm chuyên khoa cấp 2, tiến sĩ, và học tiếp. Ngành này ở các nước khác đòi hỏi học đến 11 năm.
Chương trình đào tạo cũng đòi hỏi những điều kiện đặc biệt: chương trình đào tạo không chỉ liên quan đến kiến thức của mấy môn Toán, Hóa, Sinh dù là 26, 27 điểm mới được vào ngành y, nghe có vẻ vinh dự nhưng đó mới là điều kiện cần chứ chưa đủ. Muốn làm được bác sĩ, người học còn cần có kiến thức về xã hội, nhân văn... Chương trình đào tạo đặc thù của ngành y gắn với chương trình thực hành rất nhiều: phòng thí nghiệm, ngoài cộng đồng và bệnh viện. Điều đó liên quan đến cơ sở vật chất phục vụ đào tạo… Vì vậy không phải trường nào cũng đào tạo ngành y được và không phải bệnh viện nào cũng đủ tiêu chuẩn thực hành do Bộ Y tế quy định.


Hiện có nhiều trường bắt đầu được cấp phép đào tạo ngành y ông nghĩ sao?
Có rất nhiều trường ĐH công lập hoặc ngoài công lập đào tạo đa ngành mở thêm ngành y, một số trường chỉ có 1-2 bác sĩ cũng muốn đào tạo ngành y… Có thể do người ta thấy chỉ cần một người có trình độ sau đại học và còn lại chỉ cần tốt nghiệp đại học là mở được ngành, theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, dễ dàng quá! Có thể đó là lý do, hiện nay, có nhiều trường, thậm chí như ĐHQG cũng cho ra đời khoa Y-Dược, trường dân lập cũng mở ra một lớp để đào tạo nghề y. Lấy ví dụ, một trường như ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương là một trường đào tạo ra người sử dụng máy móc nay cũng đào tạo tới 50 bác sĩ đa khoa thì không hiểu sẽ đào tạo kiểu gì?
Không thể dễ dãi với tính mạng con người - 2
Sinh viên ĐH Y-Dược Thái Nguyên trong giờ thực hành
Cơ hội việc làm giữa các sinh viên tốt nghiệp ở các trường đào tạo chuyên ngành y và các trường đào tạo đa ngành có như nhau không, thưa ông?
Chưa có cơ quan đánh giá nên khó mà nói về chất lượng từng trường nhưng hiện nay, cứ bác sĩ ra trường là được nhận và hầu như không có bác sĩ thất nghiệp-không làm việc tại bệnh viện nhà nước thì tại phòng khám tư. Tuy nhiên, trong tương lai xa, những nhà tuyển dụng lao động sẽ biết về chất lượng đào tạo. Nhưng cũng còn phải dài dài mới nhận ra điều đó vì cơ chế tuyển người của ta hiện nay có phải người giỏi là được nhận vào làm đâu! (cười).
Vậy có lẽ ngành y đang thiếu nhân lực?
Vấn đề là người ta cứ nói thiếu một cách chung chung trong khi có không ít bác sĩ đi làm trình dược viên hoặc không muốn về địa phương mà nằm lại thành phố để chờ chỉ tiêu. Ngay ở Bệnh viện Việt - Đức, có hàng chục bác sĩ nằm chờ 4-5 năm thậm chí 6-7 năm trời để có biên chế nhưng vẫn... không có.
Tính đến cuối năm 2012, cả nước có 26 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học, 74 trường cao đẳng và 44 trường trung cấp và dạy nghề. Ông có bình luận gì về con số này?
Con số lớn quá, trường đã được mở ra quá ào ạt. Đã có câu hỏi đặt ra rằng sau 3-5 năm nữa nguồn nhân lực ngành y tế không biết đặt vào đâu? Tại một hội nghị đào tạo nhân lực ngành y tế, có người đã dẫn ví dụ: cứ 10 ngày 1 trường ĐH lại được mở ra và trong năm vừa qua hơn 150 trường ĐH được thành lập!
Vậy thưa ông, giải pháp cho vấn đề đào tạo ngành y là gì?
Bất cập lớn hiện nay là các trường của ta đang sống kiểu năm cha ba me: có trường thuộc Bộ Y tế, trường thuộc Bộ GD&ĐT; trường trực thuộc tỉnh, trường trực thuộc Sở Y tế... Nếu trường trực thuộc Bộ Y tế thì mở mã ngành rất khó khăn; nếu trường nằm ngoài quản lý của Bộ Y tế thì mở mã ngành rất dễ dàng, đặc biệt các trường ngoài công lập. Vì vậy, các trường đào tạo nhân lực ngành y nên có sự quản lý của Bộ Y tế.
Cần quy định rõ điều kiện như thế nào mới được mở ngành đào tạo y khoa. Tình trạng trường trung cấp phấn đấu lên cao đẳng non; cao đẳng phấn đấu lên đại học yếu thì làm sao có thể đào tạo được ngành đặc thù này! Kiểm tra điều kiện cũng nên đi kèm với kiểm định chất lượng.
Đặc biệt cũng cần giải quyết tốt bài toán khó các cơ sở đào tạo cán bộ y tế: máy cái không tốt thì sản phẩm không tốt! Vì vậy, cần có chế độ đủ tốt cho các thầy cô giáo.
Cuối cùng, quan trọng nhất là hậu kiểm. Cần tránh để xảy ra tình trạng 1 thầy công lập có trong danh sách 4-5 trường ngoài công lập hay thậm chí giáo viên đã qua đời vẫn có tên trong danh sách cán bộ giảng dạy cơ hữu của một trường nào đó -danh sách người ta cứ đưa về Bộ, nếu Bộ không kiểm tra thực tế thì sao biết thầy còn hay mất, có thầy hay không?
Cảm ơn ông.
Cần siết chặt đào tạo ngành Y
Có nhiều cơ sở đào tạo thành lập khoa y để đào tạo nhưng lại đi mượn cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở khác về đặt để kiểm định cho đủ điều kiện và khi đào tạo không có gì cả!
Mặc dù Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo là không thể cơm chấm cơm mà các thầy thuốc phải có trình độ sau đại học mới đủ trình độ giảng dạy cho sinh viên nhưng hiện nay có rất nhiều nơi không đủ tiêu chuẩn: không đủ giáo viên, không đủ thiết bị phục vụ cho thực tập, thiếu cơ sở thực hành... Cần phải siết chặt đào tạo ngành y trong thời gian tới -không phải thiếu mà cứ đào tạo tràn lan!
Phó Hiệu trưởng ĐH Y Thái Bình, Nguyễn Quốc Tiến
Theo Hồ Thu (Tiền Phong)

Dân chấm điểm giáo dục công

Dân chấm điểm giáo dục công
Học sinh, sinh viên là đối tượng khảo sát chính trong đề án này
Thứ Bảy, ngày 21/09/2013 13:30 PM (GMT+7)
Bộ GD-ĐT đo mức độ hài lòng của người dân đối với ngành bằng phương pháp điều tra xã hội học, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ
Bộ GD-ĐT vừa phê duyệt đề án xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công. Theo bộ này, đề án sẽ đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục ở bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp và đại học.
Mức độ hài lòng: 5 cấp độ
Công cụ đo lường gồm bộ câu hỏi điều tra xã hội học, chọn mẫu điều tra xã hội học và dựa trên các chỉ số hài lòng. Mức độ hài lòng của người dân sẽ được chia làm 5 cấp độ: Rất hài lòng, hài lòng, bình thường, không hài lòng và rất không hài lòng.
Theo đề án, đối tượng khảo sát là học sinh, sinh viên và đại diện gia đình người học với 24 tiêu chí được ban soạn thảo đưa ra. Các tiêu chí này dựa trên 5 nội dung cơ bản tạo nên chất lượng dịch vụ giáo dục công là cơ sở vật chất, môi trường giáo dục, tiếp cận dịch vụ, hoạt động giáo dục, kết quả giáo dục. Riêng nội dung hoạt động giáo dục phải đánh giá được mức độ hài lòng của người dân  về nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, đội ngũ giáo viên, công tác quản lý, kiểm tra…
Dân chấm điểm giáo dục công - 1
Học sinh, sinh viên là đối tượng khảo sát chính trong đề án của Bộ GD-ĐT. Trong ảnh: Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường Trần Đại Nghĩa, TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Mục tiêu của đề án là xây dựng được phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công. Trên cơ sở đó, ngoài đánh giá một cách khoa học, khách quan chất lượng dịch vụ của các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục sẽ nắm bắt nhu cầu, mong muốn của người dân để có những biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Vui, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD-ĐT, cho biết đề án được chia làm 2 giai đoạn: Từ năm 2013-2015 và từ năm 2016-2020.
Lo ngại về độ chính xác
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng việc đo lường mức độ hài lòng của người dân là “cũng được” nhưng quan trọng hơn, phải lắng nghe và giải quyết những kêu ca của người dân đối với giáo dục. Trong khi đó, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), lại lo lắng về tính trung thực của việc điều tra này.
Theo PGS Cương, cần phải có cơ quan điều tra độc lập chứ không thể để cơ quan quản lý nhà nước đưa câu hỏi về các trường lấy ý kiến. “Muốn có kết quả chính xác thì phải thực chất nhưng đây là điều cực khó. Giả dụ, bộ đưa phiếu thăm dò ở Hà Nội thì nhiều mà đưa lên vùng cao thì ít thì biết đánh giá sao đây?” - PGS Cương đặt vấn đề.
Trước những lo ngại trên, ông Nguyễn Văn Vui cho hay Bộ GD-ĐT đã mời các chuyên gia trong và ngoài nước có kinh nghiệm về lĩnh vực này tham gia đề án. “Mất 6 tháng trời chúng tôi mới hoàn thành đề án này. Nhiệm vụ tiếp theo của chúng tôi là tiếp tục vận hành hệ thống câu hỏi điều tra” - ông Vui nói.
Về tính xác thực của những bản điều tra, ông Vui nhấn mạnh Bộ GD-ĐT mong muốn điều tra thực lòng người dân muốn gì và ngành giáo dục phải làm thế nào để đáp ứng. “Phải hiểu rất khách quan, nhiều chiều, trung thực mới làm được điều này. Nó cũng giống như CPI (chỉ số giá tiêu dùng - PV) dùng để đánh giá xếp hạng các tỉnh, thành vậy” - ông Vui lý giải.
Về lộ trình thực hiện, ông Vui cho biết phải đến hết năm 2013 mới có thể hoàn thành việc xây dựng cơ bản bộ câu hỏi, sau đó sẽ làm thí điểm xem đã hợp lý chưa, cần phải bổ sung gì. Theo ông Vui, việc xây dựng bộ câu hỏi và thăm dò ý kiến người dân được các nhà khoa học làm một cách độc lập với Bộ GD-ĐT.
“Bộ xác định phải khảo sát, thẩm định, đánh giá để đề án này thật sự có ích chứ không phải hình thức. Chúng tôi muốn làm rõ người dân ở đây là ai, cần hỏi cái gì và người ta trả lời câu hỏi thế nào, mức độtin cậy đến đâu. Nếu người ta cứ trả lời mà thông tin không tin cậy được thì chẳng để làm gì hết” - ông Vui nhìn nhận.
Năm 2015: 60% người dân hài lòng với giáo dục?
Theo Nghị quyết 30 của Chính phủ về tổng thể cải cách hành chính nhà nước, ngành giáo dục phải từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, bảo đảm sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp đạt mức trên 60% vào năm 2015. Đến năm 2020, sự hài lòng sẽ được nâng lên mức 80%.


Theo Yến Anh (Người lao động)